Xây dựng ngành hóa chất thân thiện môi trường

Xây dựng ngành hóa chất thân thiện môi trường

 

Xây dựng ngành hóa chất thân thiện môi trường
                 Xây dựng ngành hóa chất thân thiện môi trường
Qua hơn 12 năm thi hành, Luật Hóa chất 2007 đã góp phần quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động hóa chất. Tuy nhiên, Luật cũng bộc lộ một số hạn chế, chưa đáp ứng được những đòi hỏi của công tác quản lý nhà nước. Ông Nguyễn Văn Thanh – Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) – đã trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề trên
Hóa chất có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế, nhưng cũng là lĩnh vực có yêu cầu an toàn khắt khe. Ông có thể cho biết đánh giá kết quả sau 12 năm thực thi Luật Hóa chất?

Tốc độ phát triển trung bình của ngành hóa chất là 12% giai đoạn 1990-2010 và 10% giai đoạn 2010-2020. Ngành hóa chất và chuỗi cung ứng trực tiếp liên quan đã đóng góp khoảng 11,2% giá trị sản lượng công nghiệp quốc gia, tạo việc làm cho khoảng 10% lực lượng lao động của toàn ngành công nghiệp. Thực hiện chức năng của mình, Bộ Công Thương đã từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quản lý hóa chất, tham mưu Chính phủ các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp hóa chất.

Có thể nói, trong ASEAN, hệ thống pháp luật quản lý hóa chất của Việt Nam tương đối hoàn chỉnh, bài bản, trong đó Bộ luật về hóa chất rất tiến bộ. Công tác quản lý hóa chất có sự phân công, vào cuộc của các cơ quan từ trung ương đến địa phương, giúp quản lý hoạt động hóa chất ngày càng đi vào nề nếp. Những năm gần đây, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam rất quan tâm thực thi các quy định thực hiện Luật Hóa chất, bởi hệ thống quản lý, chế tài xử lý tương đối mạnh, chặt chẽ.

Ông Nguyễn Văn Thanh – Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương)

Theo ông, bên cạnh những mặt đã đạt được, Luật Hóa chất đang bộc lộ những bất cập nào cần rà soát, sửa đổi để thích ứng với bối cảnh mới?

Sau 12 năm, Luật Hóa chất có một số bất cập. Thứ nhất, phân định giữa hóa chất và sản phẩm hóa chất chưa rõ ràng, do vậy rất nhiều trường hợp DN không biết sẽ phải tuân thủ theo Luật Hóa chất với một hàng hóa cụ thể hay là không. Thứ hai, để phát triển công nghiệp hóa chất theo hướng thân thiện hơn với môi trường, thì Luật chưa thể hiện rõ. Vì thế, tới đây, các cơ chế, chính sách phải thể hiện rõ mục tiêu xây dựng nền công nghiệp hóa chất thân thiện hơn với môi trường, thu hút được các nhà đầu tư hóa chất lớn, nhưng đồng thời phải theo hướng bền vững, tránh rủi ro. Thứ ba, việc phân công trách nhiệm quản lý hóa chất còn chồng chéo, gây khó khăn trong việc xác định hóa chất, DN thuộc đơn vị nào quản lý. Cục Hóa chất đang rà soát lại phân công, phân cấp giữa các bộ, ngành ở trung ương với các cơ quan địa phương trong việc quản lý hóa chất theo thể chế phù hợp, hiệu lực, hiệu quả và tránh chồng chéo, giảm thiểu thủ tục hành chính với DN, nhất là DN xuất nhập khẩu. Thứ tư, hạ tầng kỹ thuật, thông tin về quản lý hóa chất cần phải được cải thiện mạnh mẽ. Bởi chúng ta muốn quản lý tốt phải có thông tin phục vụ công tác quản lý, vừa hỗ trợ các DN thực hiện các thủ tục hành chính thuận lợi, thông qua môi trường mạng. Tuy nhiên, về vấn đề này, một số lĩnh vực do Luật Hóa chất chưa quy định nên chưa cụ thể hóa trong các Nghị định, Thông tư hướng dẫn.

Hóa chất là lĩnh vực đang được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, nhất là khi Việt Nam đã cam kết thực thi nhiều FTA; nội dung này sẽ được thể hiện như thế nào trong quá trình rà soát, sửa đổi Luật Hóa chất, thưa ông?

Hóa chất là sản phẩm trung gian cho các ngành công nghiệp. Đúng như Thủ tướng Chính phủ nói, hóa chất, hóa dầu phải là ngành công nghiệp nền tảng, phục vụ phát triển công nghiệp. Vì vậy, các FTA song phương, đa phương đã ký kết và có hiệu lực chính là cơ hội để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước vào lĩnh vực hóa chất. Đặc biệt, với làn sóng dịch chuyển đầu tư, cơ cấu lại các sản phẩm công nghiệp của thế giới, cũng như của khu vực đang diễn ra là cơ hội cần được nắm bắt để tạo lợi thế cho ngành hóa chất phát triển. Tuy nhiên, để có thể đón nhận thuận lợi này cần có chính sách phù hợp, trong đó quan trọng nhất Luật Hóa chất phải có định hướng dẫn dắt.

Theo đó, với vai trò đầu mối, quản lý ngành, dự kiến trong năm 2020, chúng tôi sẽ tổ chức các hội thảo đánh giá, rà soát Luật Hóa chất với các DN, cơ quan quản lý trung ương và địa phương để lấy ý kiến đóng góp, cũng như đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tiếp nhận nhận hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính, qua đó tiếp thu, đẩy nhanh việc sửa đổi Luật và các văn bản dưới Luật hiệu quả, phù hợp bối cảnh của Việt Nam, cũng như thông lệ, xu hướng quốc tế về an toàn, thân thiện môi trường. Đồng thời, đảm bảo vừa tăng cường hiệu lực quản lý vừa tạo môi trường đầu tư, sản xuất các sản phẩm hóa chất xứng đáng với vai trò là ngành công nghiệp nền tảng, góp phần tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Nguồn: Báo Công Thương

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *